‘Ngon như mày chắc phải đến vài chục chai là ít, nếu mày thấy tiếc thì bỏ ra vài triệu đi vá lại, còn lời chán’.
Tuổi 17 – tuổi mà bạn bè tôi còn rong ruổi với những ước mơ bay bổng, nhìn đời bằng con mắt màu hồng thì cuộc đời tôi đã nhuốm một màu đen tối. Rồi đây, tôi chẳng biết mình sẽ phải về đâu. Trời càng mưa đầm đìa tôi càng da diết thèm được tâm sự, thèm được òa vào lòng mẹ mà nũng nịu. Bây giờ quanh tôi là những ánh đèn xa hoa rực rỡ, những thứ trang sức lấp lánh. Nhưng có nghĩa gì đâu khi tôi phải giành giật từng giây phút để sống, tôi chợt thèm cảnh đồng quê yên ả, một mái nhà lá đơn sơ và có sự quây quần của cả gia đình. Nhưng…
Là con út, lại là con gái duy nhất trong nhà nên từ nhỏ, tôi đã được bố mẹ và các anh thương yêu chiều chuộng. Mặc dù gia đình không mấy khá giả nhưng tất cả những gì tốt đẹp nhất cả nhà đều dành cho tôi. Hằng ngày được tắm mình bằng dòng chảy của sông quê mẹ làm cho tôi phổng phiu và “ra dáng” hơn các bạn đồng trang lứa khi bước vào tuổi 15, lứa tuổi đẹp nhất của đời người.
Ký ức của một cô gái 17 tuổi trong tôi đẹp lắm (Ảnh minh họa)
Năm học lớp 10, tôi được bố mẹ gửi lên nhà bác ở thành phố. Kể từ đây, tôi bắt đầu làm quen với cuộc sống phố phường tấp nập. Bác tôi làm công nhân nên đi làm vất vả cả ngày. Sau giờ học tôi chỉ biết về nhà phụ bác, không giao lưu bạn bè. Dù có cố gắng để hòa nhập như thế nào đi chăng nữa thì đám con gái trong lớp vẫn xem tôi như một đứa “nhà quê” không biết gì. Những lúc như thế ấm ức lắm, tôi cố gắng học thật giỏi, nhưng càng giỏi thì tôi càng bị bạn bè xa lánh.
Trong một lần ra chơi, ai đó đã cố ý nhét vào ngăn bàn của tôi một mẫu giấy ghi vỏn vẹn có dòng chữ: “Gà ác thì đừng có mơ sống cùng phượng hoàng”. Tôi đã bật khóc khi đọc được mẩu giấy đó. Thế rồi một người trong số đó đã đến và an ủi tôi, bạn ấy đã chỉ cho tôi cách trang điểm, ăn mặc và dần dần, tôi làm quen với những bữa tiệc hoành tráng. Khoảng cách của tôi và các bạn dần rút ngắn thì điểm số của tôi càng tụt dốc...
Tôi biết đến bar, vũ trường và nhanh chóng làm quen với rượu, bia, thuốc lá. Tôi quyết định dọn ra khỏi nhà bác với lí do “ở gần trường cho tiện đi học”. Trong lúc say sưa với những cuộc vui, dĩ nhiên, các bạn tôi không phải là người luôn luôn “bao” hết. Số tiền hàng tháng ba mẹ gửi lên ngày càng eo hẹp hơn sau mỗi lần “bù khú”. Sau những cuộc vui, tôi cũng ăn năn lắm chứ, cũng tự hứa với lòng rằng mình sẽ không bao giờ được làm như thế nữa. Nhưng cứ ở nhà được chừng vài bữa thì tôi lại cảm thấy “nhớ” tiếng nhạc xập xình, nhớ cái không khí xô bồ tràn ngập mùi khói thuốc pha lẫn những tiếng cười, tiếng hú của tuổi trẻ.
Trượt dài trong những cuộc vui không ngừng nghỉ (Ảnh minh họa)
“Hay là mày bán trinh đi! Thời đại này khác xưa rồi, người ta đánh giá nhân cách của con gái nằm ở cách chơi chứ không phải nằm ở cái màng trinh. Thậm chí, màng trinh mất đi rồi cũng có thể làm giả hoặc vá lại được mà. Ngon như mày có khối anh mê, chắc phải đến vài chục chai là ít. Nếu mày thấy tiếc thì bỏ ra vài triệu đi vá lại, vẫn còn lời chán!”. Lần đầu tiên nghe câu nói này được thốt ra từ cô bạn tôi đã chợt rùng mình và tự ái ghê gớm. Tôi phản ứng gay gắt và mắng cho người đó một trận.
Trớ trêu thay cái cuộc sống ồn ào, náo nhiệt của sàn nhảy đã làm tôi phát nghiện, hơn nữa nhiều lần nghe cô ấy tỉ tê, tôi cảm thấy cô bạn kia có lý và bắt đầu lung lay. Thế nhưng, bán cái ngàn vàng chứ có phải bán mớ rau mớ cá như ở quê đâu mà có thể bày ra chỗ nào cũng được. Vậy là tôi thuận theo mọi sự sắp đặt của cô bạn.
Mọi chuyện xảy ra tại một khách sạn, người đàn ông ấy chừng ngoài 40 tuổi, nghe đâu là doanh nhân làm ăn gặp khó khăn nên muốn tìm con gái "còn zin" để “xả xui”. Mới gặp, tôi rất lo lắng và sợ hãi thế nhưng chú ấy rất lịch sự và ga lăng. Chúng tôi ăn tối, đi mua sắm cùng nhau, chú còn tặng cho tôi cả một sợi dây chuyền bằng vàng trắng rất đẹp. Chú còn bảo, nếu tôi không sẵn sàng thì sẽ không ép, coi như đó là quà gặp mặt. Nếu tôi sẵn sàng, nhất định chú sẽ “thưởng thêm” cho tôi. Và chuyện gì đến cũng đã đến...
Sau lần đó, tôi cảm thấy mình thật dơ nhớp, lúc nào cũng cảm thấy người khác đang dò xét mình, tôi đã từng quyết tâm sẽ không bao giờ sa chân lần nữa. Thế nhưng, tôi như con thiêu thân không thể tách mình ra khỏi ánh sáng với cái ý nghĩa "Mình còn gì để mất đâu?". Vậy là lần thứ hai, thứ ba và nhiều lần nữa đã xảy ra. Đến một ngày, sau khi "tiếp đón" một tay chơi có hạng, tôi phát hiện ra hắn ta là một gã nghiện và nghe đâu đã bị si-đa! Đau đớn, vật vã, tôi đã đi dò la khắp nơi để tìm hắn nhưng vô vọng. Phải rồi, khách nào mà chẳng vậy.
Tôi về đâu bây giờ? (Ảnh minh họa)
Tôi trượt dài trong những chuỗi ngày đau khổ và dằn vặt, tôi bỏ học nhưng không dám cho gia đình biết chuyện. Và giờ đây, tôi cảm thấy mình trống rỗng, thực sự trống rỗng. Tôi biết rằng, khi người ta đánh rơi cái gì đó, cũng là lúc người ta muốn tìm lại nó bằng bất cứ giá nào. Nhưng tôi có thể đi đâu để mua lại bầu trời trong xanh kia, về đâu để mua lại những ước mơ ngày nào?
Tôi bỗng thấy nhớ đến quay quắt cái gánh hàng oằn nặng trên đôi vai gầy gò của mẹ. Nhớ đến những bữa cơm gia đình đầm ấm, nhớ đến cảm giác lần đầu tiên đặt chân lên thành phố. Tôi lang thang, bất định như kẻ vô hồn giữa dòng đời tấp nập của chốn thị thành. Tôi về đâu để òa khóc bây giờ?!
Đất Việt
► ĐỪNG QUÊN CHIA SẺ CHO BẠN BÈ CÙNG XEM BÀI VIẾT NÀY (▰˘◡˘▰)