Biến mọi thứ thành đá
Năm 2011 những thông tin đầu tiên về cây hóa đá rộ lên không chỉ bởi đó là thông tin lạ mà còn vì nó được rao bán với giá triệu USD. Theo lời kể, cây này tình cờ được gia đình ông Hoàng Văn Ngọc (thôn Tráng, xã Lâm Xa, huyện Bá Thước) tìm được trong một cái hang ở sông Luồng, huyện Quan Hóa cách đây gần 10 năm.
Ngay sau đó, cây hóa đá được con gái ông Ngọc chuyển lên mạng rao bán, gây chú ý cho nhiều người. Tuy nhiên, không có một hình ảnh nào, bằng chứng nào để kiểm chứng cây hóa đá này có xuất hiện từ sông Luồng hay không? Còn gia đình ông Ngọc thì không nhớ rõ đó là ở khúc sông nào.
Một cành cây đã hóa đá được nhặt lên từ lòng suối Hiêu
Ngay lập tức cuộc khám phá suối, thác Hiêu để bước đầu giải mã những bí ẩn về cây hóa đá đã được chúng tôi chuẩn bị kỹ lưỡng cũng với sự hỗ trợ của lực lượng kiểm lâm của KBTTN Pù Luông.
Một chiếc lá được phủ lớp đá vôi cứng một bên, một bên đang màu xanh. Ảnh: Hoàng lam
Toàn bộ các tầng nước ở thác Hiêu đều có đặc điểm là nhiều lớp đá vôi; hai bên và nhiều điểm nhô ở giữa dòng nước là những lớp đá vôi bám chặt. Hệ thống suối có thành phần đá vôi lớn trong nước chính là một trong những lý giải về bí ẩn cây hóa đá và cũng là điểm đặc biệt ở dòng suối này.
Qua quan sát, những rễ, thân cây ven suối được bọc trong một lớp đá vôi, những chiếc lá nửa còn màu xanh, nửa đã được phủ một lớp đá vôi vàng, cứng mỏng. Có mặt tại thác Hiêu vào đúng thời điểm đợt rét nhất, nhiệt độ xuống dưới 10 độ C, chạm tay xuống nước để tận mắt kiểm chứng những chiếc lá, cành cây “hóa đá” do kết tụ một thời gian từ nước của dòng suối này, chúng tôi ngỡ như mình đang ở giữa cánh rừng “phù thủy” biết hóa phép.
Tay, chân đỏ như tôm luộc vì nước lạnh, nhưng một đồng nghiệp của tôi vẫn hào hứng đứng dưới lòng suối để cảm nhận một chút sự kết tụ, đông cứng của thành phần đá vôi qua những lỗ chân lông… Có nghĩa, với nước ở suối, thác Hiêu chẳng những có thể biết cây, lá thành đá mà có thể biến hóa mọi thứ thành đá theo một nguyên lý rất đơn giản: ngâm các đồ vật dưới dòng chảy của con suối một thời gian thì sẽ hóa đá.
Một gốc cây to chưa kịp hóa đá do suối Hiêu đang vào mùa nước cạn
Suối vàng, suối bạc
Theo ông Hà Nam Ninh, nhà nghiên cứu văn hóa Thái ở thị trấn Cành Nàng (huyện Bá Thước), tên gọi thác Hiêu bắt nguồn từ tiếng Thái. Hiêu có nghĩa là nhô ra, chênh vênh như chiếc cành cây, đúng với rẻo đất làng Hiêu và thác Hiêu (xã Cổ Lũng) đang tọa lạc. Dòng nước từ thác Hiêu chảy ra có nhiều chất đá vôi, tạo nên những đông kết giữa nền và đôi bên bờ suối.
Vì vậy, con suối từ thác Hiêu chảy ra suối Nủa, rồi hòa vào sông Mã có tên gọi là suối Khanh (nghĩa là cứng, xiết). Thác Hiêu bắt nguồn từ một hang đá thuộc dãy núi đá vôi ở Pù Luông. Vào mùa mưa, lượng nước đổ về thác Hiêu rất lớn, đục ngầu khiến cây cối, đồ vật nó gặp trong dòng chảy đều bị hóa đá rất nhanh.
Thác Hiêu được nhiều người dân địa phương và khách du lịch biết đến từ lâu, thế nhưng, thật khó để ai đó có thể liên tưởng những cây hóa đá mang nhiều câu chuyện về thời gian, cổ tích ấy đã có mặt ở nhiều nơi như một thứ đồ trang trí lại được sản xuất ra từ chính dòng nước ở thác Hiêu này.
Một khúc suối Hiêu. Ảnh: Hoàng Lam.
Nhiều năm trước, những người dân chuyên đi rừng phát hiện ra điều kỳ thú này. Ban đầu, họ chỉ đem các cây, rễ, cành… đã được kết tụ đá vôi tạo dáng đẹp về nhà để trưng bày. Sau này họ biến những thứ cây đá tạo dáng kỳ lạ trên thành sản phẩm ngoài thị trường.
Cứ mùa mưa, họ tìm những dáng cây đẹp để dìm đứng xuống suối, hết mùa mưa mang lên bờ thì biến thành một cây hóa đá. Hoạt động này được một số người lén lút làm, vận chuyển các cây đã hóa đá ra khỏi địa bàn bằng các phương tiện xe máy.
“Nhiều loại cây đẹp được rao bán ngoài thị trường với giá vài chục triệu đồng là cao”- một người tên H ở huyện Cẩm Thủy, từng làm nghề này cho biết. Xét về một phương diện nào đó, cây hóa đá cũng là một sản phẩm trang trí trong gia đình mang tính phong thủy được nhiều người ưa thích. Chính vì vậy, với một số người, con suối này được gọi là suối vàng, suối bạc vì đã giúp họ có những sản phẩm tự nhiên bí ẩn, hấp dẫn nhưng lại không hề mất nhiều công sức để có nó.
Các bộ rễ của cây ven suối Hiêu đã hóa đá. Ảnh: Hoàng Lam
Anh Trương Thanh Hợp, kiểm lâm viên của KBTTN Pù Luông, chia sẻ: Thác Hiêu nằm trong KBTTN Pù Luông, thuộc bản Hiêu, xã Cổ Lũng. Cùng với một số địa danh khác, nơi này đã và đang được đầu tư để phát triển theo hình thức du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Sau khi phát hiện ra hoạt động chặt, cắt, ngâm, vận chuyển những dáng cây có đá vôi kết tụ, bám cứng thì ngành chức năng và chính quyền địa phương cũng đã tuyên truyền để người dân hiểu rõ, tránh các hoạt động có thể làm ảnh hưởng đến đặc điểm tự nhiên của dòng thác Hiêu và các nguy cơ khác có thể xảy ra.
Bí ẩn về nguyên lý hình thành một loại sản phẩm cây hóa đá đang được dần mở, thế nhưng, để suối, thác Hiêu mang lại được đúng giá trị tài nguyên thiên nhiên, khoa học, tài nguyên du lịch… cần có sự tham gia của các nhà nghiên cứu và cơ quan chức năng.
► ĐỪNG QUÊN CHIA SẺ CHO BẠN BÈ CÙNG XEM BÀI VIẾT NÀY (▰˘◡˘▰)